Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TỔ SỬ- ĐỊA- GIÁO DỤC KINH TẾ VÀ PHÁP LUẬT VỚI SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU BÀI HỌC.
Lượt xem: 19

TỔ SỬ- ĐỊA- GIÁO DỤC KINH TẾ VÀ PHÁP LUẬT VỚI SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU BÀI HỌC.

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một trong những hoạt động luôn được các trường trung học phổ thông quan tâm hiện nay. Bởi lẽ, thông qua hoạt động này sẽ tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm dạy học lẫn nhau, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xuất phát từ thực tiễn đó, tổ chuyên môn luôn đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, đẩy mạnh sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy nhằm đạt hiệu quả cao. Trong năm học 2023 – 2024 vừa qua, tổ Sử - Địa- Giáo dục kinh tế và pháp luật trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với chuyên đề “ Một số biện pháp thực hiện việc tích hợp giáo dục môi trường qua bài Đạo đức kinh doanh trong môn Giáo dục kinh tế và pháp luật  lớp 11”. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến cách làm mà không đi sâu vào nội dung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học phải làm thế nào.

Với quan điểm của tổ chúng tôi là thông qua sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là nơi để giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học (học sinh), không tập trung vào việc đánh giá giờ dạy, xếp loại giáo viên mà nhằm khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn và tìm ra biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia vào quá trình học tập. Đồng thời, giúp giáo viên có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Ngoài ra, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là tạo cơ hội cho mỗi cá nhân nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phát huy khả năng sáng tạo trong dạy học. Thông qua hoạt động dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ dạy minh họa sẽ rèn luyện một số kỹ năng cho giáo viên. Như vậy, có thể nói đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, thực tế là việc dự giờ và đánh giá tiết dạy của giáo viên thông qua quan sát việc học tập của học sinh.

Để thực hiện chuyên đề “ Một số biện pháp thực hiện việc tích hợp giáo dục môi trường qua bài Đạo đức kinh doanh trong môn Giáo dục kinh tế và pháp luật  lớp 11”, giáo viên trong tổ đã thống nhất việc nghiên cứu bài học được tiến hành theo 4 bước sau đây:

        * Bước 1. Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu.

      - Tổ chuyên môn đã tiến hành họp thông qua kế hoạch thực hiện chuyên đề và đã lựa chọn môn Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 11 để dạy minh họa, đồng thời tổ cũng phân công giáo viên dạy minh họa.

       - Các giáo viên thống nhất xác định mục tiêu kiến thức và kĩ năng mà học sinh cần đạt được khi tiến hành nghiên cứu. Mục tiêu bài học được nghiên cứu, được đề xuất bởi một thành viên trong tổ chuyên môn, sau đó được góp ý, hoàn thiện qua sinh hoạt chuyên môn.

         Các giáo viên sẽ thảo luận chi tiết, cụ thể bài học tiến hành nghiên cứu như:

          - Đặt câu hỏi xem đây là loại bài học gì?

          - Cách giới thiệu bài học như thế nào?...

     * Bước 2: Tổ chức dạy minh họa chuyên đề và dự giờ.

Sau khi tổ chuyên môn cùng nhau hoàn chỉnh kế hoạch chi tiết của bài học nghiên cứu, một giáo viên sẽ dạy bài học nghiên cứu ở một lớp học cụ thể. Các giáo viên còn lại trong tổ tiến hành dự giờ và ghi chép thu thập dữ kiện về bài học.

Trong quá trình dự giờ, giáo viên tập trung vào quan sát việc học của học sinh, hành vi, thái độ, phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm học sinh, những khó khăn vướng mắc của học sinh... để góp ý sau tiết dạy.

Một tiết dạy minh họa chuyên đề của tổ Sử - Địa- Giáo dục kinh tế và pháp luật.

* Bước 3: Thảo luận về bài học nghiên cứu.

Sau khi các giáo viên trong tổ tham gia dự giờ dạy minh họa chuyên đề đã tiến hành họp đánh giá, rút kinh nghiệm. Cụ thể đã có những ý kiến đóng góp như sau:

- Trong giờ dạy minh họa, giáo viên đã làm nổi bật nội dung kiến thức cần đạt của bài học, giúp học sinh tiếp cận và tiếp thu được kiến thức bài học, giáo viên tổ chức giờ dạy theo 5 hoạt động: Hoạt động khởi động, hoạt động hình thành kiến thức, hoạt động luyện tập, hoạt động vận dụng và hoạt động mở rộng. Trong từng hoạt động, giáo viên đã sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp nêu tình huống, kĩ năng làm việc nhóm…. giúp học sinh thực sự có hứng thú trong việc tiếp cận bài học, đồng thời, phát huy được năng lực của học sinh trong việc góp phần bảo vệ môi trường.

- Đánh giá và nhận xét chung về giờ dạy minh họa: Tiết dạy có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, đạt được mục tiêu về kiến thức, kĩ năng mà bài học đề ra, phát huy tối đa sự chủ động, tích cực của học sinh trong giờ học.

 

 Giáo viên tổ Sử - Địa- Giáo dục kinh tế và pháp luật thảo luận, rút kinh nghiệm

sau tiết dạy minh họa chuyên đề.

* Bước 4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày

- Sau khi thảo luận về tiết dạy đầu tiên, tất cả cùng suy ngẫm xem có tiếp tục thực hiện nghiên cứu bài học này nữa không? Nếu bài học nghiên cứu vẫn chưa hoàn thiện thì cần tiếp tục nghiên cứu để tiến hành dạy ở các lớp sau cho hoàn thiện hơn.

- Cuối cùng các giáo viên viết bài báo cáo vạch ra những gì được học liên quan đến chủ đề nghiên cứu và mục tiêu trong giảng dạy.

         Hiệu quả của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học:

           Thông qua việc thực hiện chuyên đề đã mang lại những hiêu quả tích cực là giúp giáo viên trong tổ chuyên môn giải quyết những khó khăn thực tiễn giảng dạy trong lớp học, được hợp tác, làm việc cùng nhau, phát triển kĩ năng làm việc nhóm. Qua hoạt động này, các giáo viên trong tổ sẽ từng bước xây dựng một kế hoạch bài dạy hoàn chỉnh hơn, phát huy được năng lực chuyên môn của tập thể, giúp giáo viên rèn luyện, củng cố, phát triển kĩ năng quan sát, hiểu học sinh hơn. Đồng thời, giúp giáo viên tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, dự giờ theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của học sinh làm trung tâm khi tham gia sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

Thông qua giờ dạy minh họa, giáo viên đã lồng ghép, tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh bằng những hành động cụ thể, thiết thực cũng như giúp học sinh vận động người thân trong gia đình thực hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng (bảo vệ môi trường, cùng xây dựng và cải tạo môi trường sống của các doanh nghiệp) khi kinh doanh.

Định hướng tới trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tổ Sử - Địa- Giáo dục kinh tế và pháp luật:

Từ hiệu quả của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học mang lại, tổ chuyên môn sẽ phân công giáo viên luân phiên tiếp tục thực hiện hoạt động này trong các năm học.

Lời kết.

          Qua thực tiễn sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, các giáo viên trong tổ nhận thấy hoạt động này có ý nghĩa rất thiết thực. Bởi lẽ, khi thực hiện hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho học sinh tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên có thể quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh. Từ đó, giáo viên từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tự tin hơn, hoàn thiện hơn trong từng tiết dạy. Ngoài ra, giáo viên không bị áp lực thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ một cách thẳng thắn, chân tình sau khi dự giờ, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

 

                                                                               NGUYỄN VĂN ĐẬM